Cộng đồng văn hóa người Hoa có mặt ở Sài Gòn vào những năm cuối thể kỷ 17, khi đó người Hoa chủ yếu sống tại khu vực Chợ Lớn. Đây cũng là nơi giao thương kinh tế trọng điểm của thành phố với các tỉnh lân cận và các nước trong khu vực.
- Lên cao nguyên chiêm ngưỡng Bảo tàng Thế giới Cà phê
- “Bình Chánh – những điều chưa kể”, sản phẩm mới kích cầu du lịch TPHCM
Người Hoa không chỉ giỏi buôn bán mà còn giỏi về xây dụng các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống của người Hoa tại Sài Gòn.
Chùa Vạn Phật
Chùa Vạn Phật hay còn gọi là chùa Phật Quang Đại Tồng Lâm được xây dựng vào thế kỷ 19 mang đặc trưng cho phong cách kiến trúc của Trung Quốc. Đến đây, du khách không những lễ phật cầu phúc, cầu tài, cầu lộc… mà còn chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo, mới lại của người Hoa.
Tuy nằm trong khu phố vàng bạc và kế bên là chợ Hòa Bình cũng khá sầm uất của quận 5 nhưng ngôi chùa nằm cuối ngõ và lọt thỏm ở giữa xung quanh là những dãy nhà cao tầng tạo không gian ấm cúng và tách biệt với bên ngoài.
Nhìn từ bên ngoài, chùa Vạn Phật không có nét gì nổi bật bởi không có khuôn viên và diện tích khá nhỏ hẹp, tuy nhiên đây là ngôi chùa nổi tiếng về linh thiêng và mang nét đặc trưng riêng biệt. Đúng như tên gọi, ngôi chùa có hàng ngàn tượng phật được xếp ngay ngắn tạo nên hình khối tổng thể đều đặn và cổ kính.
Cầu thang, tay cầm được làm từ đá nguyên khối xưa nên vô cùng chắc chắn. Chùa có 5 tầng, mỗi tầng đều có chính điện thờ Phật và Bồ tát. Trong đó, tráng lệ nhất là Đại Điện Minh Quang (chánh điện), đây là công trình quy tụ nhiều tượng phật lớn nhỏ như Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền… và kể cả đài sen dưới Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được chế tác tinh xảo bằng đồng.
Đặc biệt hơn hết xung quanh những cách sen đồng là hơn 10.000 bức tượng Phật nhỏ màu trắng ngà được xếp thứ tự và ngăn nắp trong mỗi ô chữ nhật trên 4 vách tường làm cho không gian ấm áp và trang nghiêm.
Ngoài hơn 10.000 bức tượng phật còn có những họa tiết điêu khắc mây hình tiên nữ, hình hoa văn, hình rồng bay, phượng múa… mỗi nét vẽ đều chứa đựng những giá trị nghệ thuật đồng thời thể hiện tài năng chế tác của các nghệ nhân.
Đến đây du khách còn được trải nghiệm máy xin xăm tự động, điểm mới của ngôi chùa này.
Phương tiện đi lại: Du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, taxi, buýt… Tuy nhiên du khách nên đi bằng xe máy để thuận tiện di chuyển. Phí gửi xe 5.000 đồng/xe, gửi ngay tại cổng chùa.
Địa chỉ: 66/14 Nghĩa Thục, quận 5, TPHCM.
Chùa Bà Chợ Lớn
Chùa Bà Chợ Lớn nằm ngay trung tâm Chợ Lớn số 710 Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như Tuệ Thành hội quán, Thiên Mậu miếu (người Hoa quen gọi là chùa Bà Thiên Hậu), được khởi công và thành lập từ một nhóm người Hoa những năm 1760.
Sau hàng trăm năm tồn tại và qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa chùa vẫn giữ nguyên vẹn theo phong cách Á Đông truyền thống, với những kiến trúc chạm trổ, điêu khắc đặc trưng của người Hoa với lối kiến trúc tam quan, cách điệu ở cổng chính và hành lang hai bên rộng mở vô cùng độc đáo.
Chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến là một trong những nơi thờ tự tâm linh cổ nhất của người Hoa tại Sài Gòn.
Ngoài ra chùa cũng được xem là địa điểm du lịch tâm linh của người dân thành phố cũng như du khách phương xa.
Kiến trúc độc đáo của chùa không chỉ gây ấn tượng với khách hành hương bởi sự trang trọng, thể hiện uy nghiêm.
Hơn thế nữa, mỗi ngóc ngách của ngôi chùa đều mang nét đẹp riêng tiêu biểu như bảng sớ màu hồng chữ Hán, hai bức tường gạch ốp chắc chắn, trước cổng là hàng rào xanh vững chãi và lồng đèn to được treo hai bên cửa thể hiện đúng phong cách của người Hoa.
Đến lễ phật ngoài dâng hương du khách cũng có thể cầu an bằng nhang khoanh, ghi tên lên sớ giấy và treo lên hoặc cúng dầu và dâng đèn một trong những văn hóa truyền thống tâm linh của người Hoa.
Ngoài lễ phật và chiêm ngưỡng kiến trúc của ngôi chùa thì du khách có thể thử nghiệm thêm các món ăn đường phố như bánh hẹ (hấp và chiên), bánh củ cải … được bán đối diện với cổng chùa, cô chủ là người Hoa rất thân thiện.
Chùa Ông
Cùng nằm trên con đường Nguyễn Trãi có một hội quán được xem là duy nhất của người Triều Châu (người Tiều) tại mảnh đất Sài thành. Nơi đây dường như tách biệt với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp bên ngoài và đến đây tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng, an yên.
Chùa Ông, miếu Quan Đế hay còn được gọi với tên khác là Hội quán Nghĩa An, tọa lạc tại 607 Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM. Đây là ngôi chùa thờ thần Quan Công, nhân vật trong thời Tam Quốc – Trung Quốc.
Theo văn hóa người Hoa, thờ thần Quan Công biểu thị cho lòng trung nghĩa, tượng trưng cho tấm lòng hướng về quê hương của những người con xa xứ. Ngoài ra thờ thần Quan Công còn mang sự thịnh vượng, trí tuệ và tài lộc trong kinh doanh.
Kiến trúc Hội quán Nghĩa An theo hình chữ khấu với nhiều dãy nhà khép kín và vuông góc. Trên nóc mái Hội quán trang trí tượng sành đôi song long tranh châu đầy màu sắc vô cùng nổi bật, từng họa tiết sành sứ trang trí trên mái được thể hiện rất sinh động và đẹp mắt.
Hội quán có sân trước khá rộng với hồ phóng sanh bao gồm: Tiền điện, sân thiên tỉnh (giếng trời), nhà hương, chính điện và văn phòng Hội quán.
Từ sân trước đến cổng đặt đối xứng cặp kỳ lân đá được chạm trổ đặc sắc, qua tiền điện là sân thiên tỉnh (giếng trời) ở giữa Hội quán rộng rãi và thoáng mát. Vào trong là chính điện thờ thần Quan Công ở đây không khí trang nghiêm, linh thiên với những cột gỗ treo câu đối được chạm trổ, điêu khắc tinh tế.
Hội quán Nghĩa An cũng như những ngôi chùa lâu đời khác đều trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn bảo tồn được những kiến trúc đặc trưng của người Triều Châu (người Tiều) được thế hiện qua màu sắc bắt mắt và đường nét điêu khắc tại Hội quán này.
Hội quán Ôn Lăng
Số 12 Lão Tử, quận 5, TPHCM là địa chỉ của Hội quán Ôn Lăng, còn được biết đến là chùa Quan Âm, chùa Ông Lào.
Đây cũng là môt trong những Hội quán tâm linh có bề dày lịch sử lâu đời nhất của người hoa trên mảnh đất Chợ Lớn và được khánh thành cách đây gần 300 năm, từ thời điểm 1740 từ một nhóm người ở tỉnh Phúc Kiến-Trung Quốc di cư sang Việt Nam.
Khuôn viên Hội quán Ôn Lăng cũng khá giống Hội quán Nghĩa An có hồ phóng sanh ở đối diện. Hội quán làm bằng gỗ, mái ngói uốn cong chạm trổ hoa văn kỹ xảo gắn với mô hình gốm sứ tinh xảo, đầu mái là các bức tượng lưỡng long tranh châu.
Các bức phù điều gỗ chạm lộng, chạm nổi và được sơn vàng tạo vẻ đẹp lộng lẫy, ngoài ra có những câu liễn đối cũng được chạm tỉ mỉ trên nền rồng vân mây mang đậm phong cách kiến trúc vùng Phúc Kiến.
Trước hội quán là đôi sư tử chầu cửa được điêu khắc nghệ thuật con bên trái miệng ngậm châu ngọc con bên phải vui đùa cùng sư tử con. Đây cũng được xem là một trong những nét đặc sắc khi đến hội quán.
Con đường Lão Tử nhỏ, không có bãi đỗ ô tô, vì thế khách hành hương nên di chuyển bằng xe máy gửi các nhà xung quanh hội quán với giá 5.000 đồng.
Phù Châu miếu
Nằm tách biệt với trung tâm thành phố nhộn nhịp có một ngôi cổ miếu tồn tại cũng hàng trăm năm ở Gò Vấp, ngôi miếu nổi trên dòng sông Vàm Thuật (một nhánh sông nhỏ của Sài Gòn). Do hình thành từ địa hình đặc biệt nên người dân và khách hành hương đến đây thường gọi với tên thân thuộc miếu Nổi.
Do được xây dựng trên mảnh đất nổi giữa sông nên khuôn viên miếu không quá rộng nhưng rợp bóng cây xanh mát tạo khung cảnh miệt vườn nên thơ.
Kiến trúc ngôi miếu mang đậm nét văn hóa Việt – Hoa, được chế tác và trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng, gốm sứ.
Mái ngói được tráng men xanh ngọc, chầu rồng, song long tranh châu cũng được điêu khắc một cách tinh tế. Hơn nữa từ sân cổng đến các bức phù điêu trong miếu đều tạc hình rồng ốp từ những mảnh sứ nhiều màu sắc bắt mắt, các họa tiết hoa văn khác trong miếu cũng được trang trí sống động trên nhiều kết cấu miếu Nổi.
Để đến miếu Nổi, du khách đến ngã tư Phan Văn Trị giao với Nguyễn Thái Sơn, rẽ phải vào Nguyễn Thái Sơn chạy gần cuối đường rẽ trái vào Phan Bá Giao đi thẳng thêm 150m là đến bãi giữ xe của miếu giá 6.000 đồng/chiếc.
Từ bãi xe bạn đi thẳng vào trong là đến bến đò giá 15.000 đồng/2 lượt (đi và về), thời gian chờ đò tầm 5-10 phút di chuyển đến miếu chỉ mất 5-7 phút.
Trên đò sang miếu du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng từ khung cảnh yên bình, tĩnh lặng.
Dương Kiệt