Để sớm khôi phục trở lại hoạt động du lịch, doanh nghiệp lữ hành mong muốn các địa phương có sự phối hợp thống nhất, cho du lịch một quy chế chung trong công tác phòng chống dịch để vừa đảm bảo an toàn vừa phát triển kinh tế.
- Điểm đến an toàn: Khách lưu trú từ vùng xanh hoặc vùng vàng sẽ không kiểm tra thẻ xanh Covid
- Điểm đến an toàn: Vietravel Airlines đảm bảo an toàn khi hoạt động trở lại
Hụt hơi với… quy định phòng dịch
Theo chia sẻ của bà Trương Thị Phương Nga, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Du lịch sinh thái Gia Lai, thành viên của Sáng kiến Điểm đến an toàn, “cuộc chiến không tiếng súng” cùng đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm đã thách thức nặng nề với các công ty du lịch.
Để vực dậy du lịch nói riêng và ngành kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Du lịch sinh thái Gia Lai, Nghị quyết 128 được xem như một “kim chỉ nam” để các địa phương áp dụng, triển khai các biện pháp trong phòng chống dịch, tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu” như trước đó; đồng thời tạo luồng sinh khí mới để các công ty du lịch có thể dễ dàng triển khai lại hoạt động.
“Thế nhưng doanh nghiệp phấn khởi vì có thể dựa trên hướng dẫn phân độ cấp độ dịch để từng bước triển khai tour, tuyến chưa thấy đâu đã vướng phải các quy định chưa đồng bộ từ các địa phương trong việc đón khách theo cấp độ dịch”, bà Nga nói và cho biết cấp độ dịch lại thay đổi từng tuần nên rất khó thực hiện.
Bà Nga dẫn chứng, đầu tuần khách đăng ký tour, đia phương khách cư trú đang là vùng xanh (vùng 1), giữa tuần có một số ca bệnh nên chuyển sang vùng 3 (vùng cam) thì công ty du lịch cũng đành phải hủy tour vì không đảm bảo theo quy định an toàn y tế cho dù khách đã được tiêm vắc-xin và có test nhanh trong vòng 72 giờ.
Đó là chưa kể, việc di chuyển còn phải thực hiện khai báo y tế qua app (ứng dụng), trong khi theo bà Nga, mỗi nơi lại đang áp dụng một app riêng. Ngoài ra, việc một số địa phương có thế mạnh du lịch cũng chỉ mới thí điểm một số cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch dẫn tới thiếu dịch vụ, khó triển khai tour.
“Thậm chí, có nhiều địa phương đến nay vẫn còn ‘bế’ cả F1 đi cách ly”, bà Nga nói, điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách du lịch. Vì thế, để khôi phục lại hoạt động du lịch, khôi phục dần sự sống của ngành, bà Nga mong các địa phương có sự phối hợp thống nhất, cho du lịch một quy chế chung trong công tác phòng chống dịch để vừa đảm bảo an toàn vừa phát triển kinh tế.
Còn nhiều băn khoăn
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng cùng đại dịch, các công ty du lịch đã sẵn sàng trong tâm thế mới, cố gắng từng bước khắc phục khó khăn mong muốn phục hồi mang lại sức sống bình sinh cho ngành du lịch. Tuy nhiên khoảng cách từ đóng cửa đến mở cửa trở lại du lịch chưa lúc nào khó như hiện tại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid. Nguồn lao động tại các công ty du lịch gần như hoàn thành việc phủ xanh vắc-xin và đã đủ 14 ngày kháng thể sau khi tiêm mũi 2.
Tuy nhiên, những ngày qua, theo bà Nga, các tỉnh Tây Nguyên có một số ca nhiễm trong cộng đồng tại một số bản làng vì vậy việc làm tư tưởng cho dân làng và chính quyền địa phương đón nhận khách về bản làng là không dễ.
“Ai ai cũng sợ bị nhiệm bệnh, sự lo lắng của dân địa phương với khách chắc chắn không tránh khỏi”, bà Nga chia sẻ. Để làm tốt công tác này, các công ty du lịch rất mong nhận được sự hỗ trợ và phồi hợp của cán bộ dân vận đia phương trong bước đầu bình thường mới.
Bà Nga cũng cho biết, phần lớn du khách mong muốn được đi du lịch, giải tỏa áp lực và sự bức bí thời gian qua phải giãn cách xã hội. “Hiện nay, phần lớn khách đều đã được tiêm đủ 2 mũi hoặc ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid”, bà Nga nói và đề xuất: “Chúng ta nên dựa vào điều kiện tiêm chủng và kết quả test Covid để nhận khách. Nên đưa điều kiện này vào quy chuẩn an toàn du lịch trong bình thường mới”.
Bên cạnh đó, trở lại hoạt động du lịch, theo bà Nga, nguồn lao động du lịch cũng là nỗi niềm trăn trở nhất với tất cả các công ty. “Phần lớn người lao động chuyển đổi sang các ngành khác như báo hiểm, bán hàng đa cấp, kinh doanh bất động sản… để mưu sinh nên dẫn đến thiếu hụt lao động ngành”, bà Nga tâm sự.
Thêm vào đó, lao động trong ngành du lịch chưa có chế an toàn lao động. Vì vậy cả người lao động và các nhà quản lý còn đang rất e dè khi bắt tay vào bình thường mới. “Dịch bệnh không trừ một ai, nếu chẳng may họ bị nhiễm bệnh hoặc trở thành F1 thì chi phí cách ly, phí chi trả xét nghiệm là một vấn đề không nhỏ”, bà Nga nói và cho biết trong lòng không khỏi những lo lắng về rủi ro do dịch bệnh mang lại. “Chúng tôi thiết nghĩ nên bổ sung thêm điều kiện an toàn lao động cho người công tác trong ngành du lịch”, bà Nga đề xuất thêm.
Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý kế hoạch khôi phục một số đường bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam từ ngày 1-1-2022 như một tín hiệu mừng đối với nhiều công ty lữ hành trong việc khởi động lại bộ máy dù biết con đường trở về trạng thái bình thường mới vẫn còn không ít khó khăn, trắc trở.
Nguyễn Nam