Câu chuyện du lịch: “Đảo ngọc trên sông Hậu” chuyển mình làm du lịch

Nhắc tới Sóc Trăng, du khách nghĩ ngay đến chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu, chợ nổi Ngả Năm, lễ hội đua ghe ngo và… bánh pía mà ít ai nghĩ rằng, địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước.

Tiềm năng dồi dào

Tỉnh Sóc Trăng có 72km bờ biển, với bãi bồi với rừng bần trải rộng là môi trường sống của nhiều loài thủy sinh, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng biển theo phong cách riêng biệt.


Ví trí cù lao Dung trên Google Maps.

Ngoài ra, Sóc Trăng nổi tiếng với các “đảo nhỏ trên sông Hậu” như dải cù lao trải dài từ Kế Sách đến cù lao Dung với những vườn cây trái xanh tươi. Có biển, Sóc Trăng lại có sông Hậu và sông Mỹ Thanh với hệ thống kênh rạch dày đặc, len lỏi qua các vườn cây trái.

Riêng cù lao Dung, huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 50km, cách tỉnh Trà Vinh khoảng 10 đến 15 phút đi phà qua sông Hậu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 20km theo đường quốc lộ 60, là nơi hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với nét đặc thù “đảo trên sông nhìn ra biển Đông”, có khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiều vườn cây ăn trái.

Cù lao Dung được ví như “đảo ngọc trên sông”, là cù lao cuối cùng trên sông Hậu, nơi sông đổ ra biển có 3 cửa: Định An, Trần Đề và Ba Thắc. Dù có cửa sông bị phù sa bồi lấp nhưng vẫn có vị thế đặc biệt để tạo những dấu ấn mà nơi khác không thể có khi phát triển du lịch nghỉ dưỡng vừa sinh thái miệt vườn vừa sinh thái biển.

Phía Đông Nam cù lao Dung là rừng bần rộng trên 1.700 héc ta, có hệ sinh thái đa dạng, với điểm nhấn là đảo Khỉ còn hoang sơ, có thể tạo sức hút cho các hoạt động khám phá, thể thao như chèo thuyền, trekking…

Thật thú vị và ấn tượng khi đi thuyền ra một trong các cửa biển của vùng đất Chín rồng, ngang qua rừng bần cổ thụ, hái bông bần, trái bần, câu cá úc (một họ cá da trơn, chủ yếu sống trong môi trường nước mặn, một số ít loài sinh sống trong các môi trường nước lợ hay nước ngọt) để tự chuẩn bị cho bữa cơm dân dã trên thuyền.

Lúc này mà cùng hát bản tân cổ giao duyên nổi tiếng “số phận một loài hoa” với giọng ca ngọt ngào của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, nội dung nói về hoa bần cù lao Dung thì không gì tuyệt bằng.

Du khách đi cầu tre xuyên rừng.

Đến làng du lịch Trường Tiền và làng du lịch Long Ẩn, du khách có dịp tham quan vườn cây ăn trái quanh vùng; trải nghiệm leo dừa, uống nước dừa và bơi xuồng tại nhà anh Sáu Mới…; tham quan nhà vườn anh Tám Tiến và anh Tư Mừng cùng thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước cù lao, nghỉ đêm tại các homestay đúng kiểu miệt vườn cù lao, cùng gói các loại bánh dân gian với người dân và thưởng thức bánh nóng tại chỗ.

Người dân làm du lịch

Người dân cù lao Dung hiền hòa, chất phác, thật thà và hiếu khách. Đến nhà nào, bạn cũng sẽ được mời cây trái vườn nhà như một trái ổi ruby, một chùm nhãn tím… rồi ngồi nghe những lão nông như chú Chín Sáng kể chuyện về lịch sử vùng đất cù lao Dung từ thời khẩn hoang, be bờ, mở đất cho đến chuyện các địa điểm gắn với truyền thuyết vua Gia Long như rạch Long Ẩn (nơi vua trú ẩn), rạch Trường Tiền (nơi vua chọn làm nơi đúc tiền); hay đắm mình vào những lời ca vọng cổ chơn chất của người dân miền quê…

Khách thỏa thích vui đùa dưới bãi biển.

Riêng tại farmstay Sân Tiên, xã An Thạnh Nam, du khách sẽ thích thú  khi  tham gia nhiều hoạt động trong thiên nhiên như đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, tự hái dừa pha mật ong, nướng vọp, sam, đạp xe đạp tham quan bãi cá thòi lòi; tắm bùn thiên nhiên tại bãi bồi, trải nghiệm trò chơi dân gian “ném bùn – đạp mong”… cào nghêu tại bãi nuôi với khoảng 20 héc ta.

Trong mùa Covid, các bác nông dân vẫn sửa sang homestay, sơn thuyền, chăm sóc vuông tôm, ao cá, ruộng mía, vườn cây; tìm thêm các trải nghiệm mới phục vụ du khách; học online về kỹ năng du lịch với các chuyên gia…

Vẫn còn nét mộc mạc, đơn sơ nhưng người dân cù lao Dung đang sẵn sàng đón khách du lịch mọi miền đất nước với hành trình xanh khép kín trên “đảo ngọc trên sông Hậu” thơ mộng và cuốn hút này.

Yến Ly

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn