Khi điện ảnh là chất “xúc tác” cho du lịch

Nhóm du khách chúng tôi đến Huế hồi tháng 3 năm nay dự hội thảo phát triển du lịch Huế, sau khi tham quan phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, cả nhóm quyết tâm tìm tới “cây cô đơn”, bối cảnh của phim Mắt Biếc đang nổi đình nổi đám lúc đó dù chẳng ai còn trẻ.

Dẫu lạc đường, có lúc vượt sông Ô Lâu tìm tận sang tỉnh Quảng Trị nhưng ngạc nhiên thay, trên đường tìm “cây cô đơn” thật, cả nhóm công nhận ở vùng này lắm phong cảnh thơ mộng, hữu tình như cảnh phim Mắt Biếc và có lắm “cây cô đơn” tương tự như Mắt Biếc.

Diễn viên Minh Khải (giữa) trong phim Ngốc ơi tuổi 17, phim có tham gia Liên hoan phim lần thứ 22 đang tham quan Lăng Gia Long sáng 19-11-2021. Ảnh: Fanpage Visit Huế

Hiệu ứng của phim ảnh tới du lịch là điều có thật mà không phải chờ tới khi có phim Mắt Biếc người Huế mới cảm nhận được. Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu năm 2015 của đạo diễn Victor Vũ đã tạo hiệu ứng lan tỏa cho du khách đến Phú Yên, nơi quay chính của phim. Không ai thống kê chính xác lượng du khách tới đất Phú tăng bao nhiêu nhờ phim, nhưng một sự thật là rất nhiều công ty du lịch ở TPHCM mở tour tuyến đi Phú Yên, giới trẻ phượt tới xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh ngày một nhiều, nhiều chuyến bay TPHCM – Phú Yên có du khách chật kín nói là sẽ đến những nơi quay phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Khi đến Huế, nhiều người trong nhóm chúng tôi cứ bảo tài xế chạy xe đi tìm quán cà phê gì đó có liên quan tới phim Mắt Biếc ở phố cổ Bao Vinh, thì ra nó có tên Café Mắt Biếc ở 66 phố cổ Bao Vinh mà giới trẻ hay check-in, cũng là bối cảnh của phim này. Điều đó phần nào cho thấy sức hút của phim ảnh, hiệu ứng của nó mạnh tới cỡ nào trong ngành du lịch, đặc biệt là giới trẻ.

Trong những ngày diễn ra Liên hoan phim lần thứ 22 tại Huế, thay vì xem phim hay dự các sự kiện của liên hoan thì đạo diễn điện ảnh Bá Vũ ở TPHCM trong đầu lại nghĩ đến ý tưởng của một phim lịch sử nói về vua Gia Long mà anh đang ấp ủ. “Mình ra Huế lần này nói thực là đi tìm bối cảnh cho phim là chính”, đạo diễn Bá Vũ nói và cho biết hãng phim mà anh đang cộng tác cũng đang có ý định mở chi nhánh, đặt văn phòng ở Huế khi muốn làm phim lịch sử này.

Đạo diễn Bá Vũ (bên phải ảnh) tại phim trường “Cha ma”. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Đó là lý do khi nhà tổ chức liên hoan đưa các nhà làm phim đi tham quan thì đạo diễn Bá Vũ nằng nặc phải đi cho được tour tham quan lăng Gia Long và đánh giá ở Huế chỗ nào cũng có thể làm phim trường. Nhưng không chỉ đạo diễn Bá Vũ, diễn viên – đạo diễn Công Hậu, người gắn bó hơn 30 năm với điện ảnh cũng muốn đi tham quan lăng tẩm, vùng quê Thừa Thiên Huế. “Hai mươi năm trước tôi từng đóng một phim liên quan tới Phật có cảnh quay ở Huế nhưng lúc đó là diễn viên, giờ là đạo diễn thì mình đi tham quan, chọn cảnh, nghĩ ý tưởng”, đạo diễn Công Hậu nói.

“Một chút lãng mạn với đồi thông chập chùng ở vùng quê không khác gì Đà Lạt nhưng phải dùng hai từ thật chính xác về Huế là trầm mặc, rất thích hợp cho phim về lịch sử, tình cảm”, đạo diễn Công Hậu chia sẻ sau khi tham quan.

Đạo diễn Công Hậu (bên trái ảnh) và tác giả bài viết chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Gia Long sáng 19-11.

Ông Raja Ramani, một nhà làm phim người Ấn Độ, đầu tư vào thị trường phim Việt từ năm 2015, có phim Sám Hối do diễn viên Bình Minh thủ vai chính, phim có trong danh sách tham gia liên hoan phim, trong đêm Dạ hội Áo dài và Điện ảnh do nhà tổ chức liên hoan phim mời, đã nghĩ tới ý tưởng đầu tư làm phim ở Huế. Ông hồ hởi khi nghe thông tin chính quyền tỉnh này tạo điều kiện cho các hãng phim đầu tư ở Huế hay quay cảnh ở Huế.

Nhà sản xuất phim người Ấn Độ Raja Ramani.

Đạo diễn Bá Vũ nói với ông Raja Ramani rằng những phim quay ở Huế, khi công chiếu thì các rạp phim ở Huế người dân xếp hàng dài mua vé xem phim.

Nếu đất Phú Yên “ăn may” nhờ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quảng bá đất Phú sơn thủy hữu tình ra công chúng thì Huế lại khác, chính quyền tỉnh này đã chủ động mời gọi các nhà làm phim và tạo điều kiện quay cảnh phim ở Huế. Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Thành phố Huế cho biết, thời gian gần đây, Huế được chọn làm nơi để quay các bối cảnh chính của nhiều phim, như Mắt Biếc, Gái Già Lắm Chiêu, Kiều, Em và Trịnh… Hầu hết các phim đã phát hành được công chúng trong và ngoài nước đón nhận nhiệt tình, đánh giá cao.

Ông cho biết để hỗ trợ cho các đạo diễn, đoàn làm phim, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập một nhóm chuyên viên hỗ trợ riêng biệt cho các hoạt động này do Viện nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế chủ trì cùng sự tham gia của các Sở Văn hoá, Du lịch, Giao thông, Công an… và các địa phương, sở ngành có liên quan.

Nhiều người nói rằng Huế có cơ hội để trở thành một phim trường lớn, là “điểm đến của các nhà làm phim” khi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, với các kiến trúc mang tính đa dạng, hoài cổ và nhiều điều kiện khác…, Huế có nhiều điểm mạnh để chọn làm bối cảnh cho các phim tình cảm lãng mạn, lịch sử… Nhưng ông nói: “Song, để trở thành một phim trường, cần có rất nhiều điều kiện khác”.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt cho rằng xu hướng du lịch hiện nay là check-in những danh lam thắng cảnh, những nơi có người nổi tiếng đến thăm, phim trường các phim… và không gì lạ khi phim được công chiếu, giới trẻ bắt đầu tìm đến để… check-in.

Hồng Văn

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn